Theo đuổi năng suất đưa doanh nghiệp vươn xa
(VietQ.vn) - Nâng cao năng suất chất lượng thông qua áp dụng và duy trì các hệ thống tiêu chuẩn, công cụ cải tiến năng suất có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững. Tuy nhiên để đạt được thành công cần sự “theo đuổi” bền bỉ và khát khao vươn mình từ chính bản thân doanh nghiệp.
Chuyên gia năng suất Lê Minh Tâm - Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia cho biết, cải tiến quá trình sản xuất và quản lý chất lượng có nhiều phương pháp, kỹ thuật hay công cụ cụ thể mà mục tiêu chung chính là nâng cao năng suất chất lượng. Trong đó, có thể chia làm hai nhóm phương pháp và công cụ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng.
Thứ nhất, dựa trên các nền tảng tiêu chuẩn, đặc biệt là tiêu chuẩn quốc tế như tiêu chuẩn quản lý của ISO, ví dụ: ISO 9001, ISO 22000, ISO 14000, ISO 27000, ISO 10000… Đây là cách tiếp cận một cách hệ thống, đồng bộ cho toàn tổ chức, đòi hỏi doanh nghiệp phải có cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo theo con đường dài, xây dựng mới chỉ là bước đầu để duy trì, phát huy hiệu quả về năng suất và kinh tế đòi hỏi sự kiên trì.
Thứ hai, nếu chưa xây dựng thành tiêu chuẩn có thể xây dựng bằng các nguyên tắc hình thành dựa trên thực hành tốt nhất, thực hành theo nguyên tắc/nguyên lý và trình tự cụ thể như Lean, 6 Sigma, Kaizen, 5S, TPM… và nhiều phương pháp, kỹ thuật khác. Các phương pháp này có thể giao thoa với nhau cùng phối hợp để thực hiện giải quyết vấn đề cụ thể trong doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp áp dụng, hầu hết doanh nghiệp đều khẳng định nâng cao năng suất chất lượng thông qua áp dụng và duy trì các hệ thống tiêu chuẩn, công cụ cải tiến năng suất có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và sự phát triển bền vững đất nước nói chung.
Bà Lê Thị Hoài Thương - Trưởng phòng Đối ngoại cấp cao, Nestlé Việt Nam cho hay, đảm bảo chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp. Trong đó, áp dụng tiêu chuẩn chất lượng vào hoạt động sản xuất và kinh doanh đã mang lại hiệu quả cao và tăng lòng tin của khách hàng, uy tín doanh nghiệp trên thị trường. Doanh nghiệp đã áp dụng hàng loạt tiêu chuẩn và quy trình phù hợp, xuyên suốt trong chuỗi cung ứng: từ nguyên vật liệu – nhà sản xuất – trung tâm phân phối – nhà phân phối – nhà bán lẻ - người tiêu dùng, có thể kể đến như:
Về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, công ty áp dụng hệ thống FFSC 22000 và đạt chứng nhận về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế cũng như đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành; Về quản lý chất lượng, công ty áp dụng hệ thống ISO 9001:2015 và ISO/IEC 17025:2017; Về quản lý về môi trường và quản lý an toàn sức khỏe lao động, công ty áp dụng hệ thống ISO 14001:2015 và ISO 45001:2018;
Về quản lý lưu trữ hàng hóa tại kho/ trung tâm phân phối của công ty và kho bãi của nhà phân phối áp dụng các nguyên tắc trong “Thực hành kho tốt” (Good Warehouse Practice – GWP). Ứng dụng công nghệ Obiter Robot trong vận hành trung tâm phân phối giúp tăng công suất chứa, giảm thiểu rủi ro và đảm bảo an toàn cho người lao động trong vận hành kho và quản lý hàng hóa;...
Đồng quan điểm, ông Lưu Văn Hoàng - Giám đốc Công ty TNHH Aeonmed Việt Nam khẳng định ý nghĩa quan trọng của áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn đối với sự phát triển của doanh nghiệp. “Aeonmed Việt Nam là doanh nghiệp chuyên về sản xuất thiết bị - vật tư y tế và dung dịch thẩm phân máu đậm đặc, hiện tại công ty đang áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 và tiêu chuẩn ISO 13485 về hệ thống quản lý an toàn cho các sản phẩm y tế.
Tôi cho rằng, đối với những doanh nghiệp lần đầu áp dụng hệ thống tiêu chuẩn thường sẽ chưa hiểu rõ lợi ích mà tiêu chuẩn mang lại, thậm chí cảm thấy phiền phức do thủ tục giấy tờ. Tuy nhiên, đối với Aeonmed Việt Nam, ngay từ khi xây dựng nhà máy đã triển khai áp dụng bài bản tiêu chuẩn ngay từ đầu, đồng thời tiến hành phổ biến cho cán bộ, nhân viên công ty. Có thể khẳng định, việc áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn mang lại lợi ích rất to lớn cho doanh nghiệp trong vấn đề quản lý cũng như giải quyết các vấn đề liên quan”, ông Hoàng nói.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đình Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty Cổ Phần Phát Triển Công Nghệ Techpro cũng cho biết, Techpro là doanh nghiệp cung cấp giải pháp về công nghệ cho các thị trường như thành phố thông minh, nhà máy thông minh và in kỹ thuật số,… Việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9001 giúp mọi dự án được triển khai với độ chính xác và hiệu quả tối ưu, mang lại sự hài lòng cao nhất cho khách hàng. Đây cũng chính là “kim chỉ nam” để Techpro tiếp tục vươn xa, không ngừng đổi mới, đồng hành cùng khách hàng trên hành trình phát triển bền vững.
Song song với mặt lợi ích, TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đánh giá rằng, áp dụng và duy trì hệ thống tiêu chuẩn, công cụ cải tiến năng suất cũng là thách thức lớn với doanh nghiệp, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phân tích vấn đề này, TS. Nam cho biết: Thứ nhất do đặc điểm bên trong của đa phần doanh nghiệp chưa thật sự đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm áp dụng bởi hệ thống quản lý chất lượng đòi hỏi tính bao quát, tổng hợp. Thứ hai, nhận thức về việc đào tạo, nâng cao kỹ năng quản lý chưa được xem trọng. Thứ ba, đầu tư cho công nghệ tự động hóa, sản xuất đòi hỏi chi phí, nguồn vốn lớn, trong khi khả năng tiếp cận, huy động vốn của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tốt. Ba đặc điểm này khiến cho phong trào năng suất của Việt Nam bị hạn chế.
Vì vậy, cần tập trung vào vấn đề nhận thức, tuyên truyền để doanh nghiệp hiểu về phát triển bền vững. Đồng thời cần có sự đào tạo bài bản về áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn và công cụ cải tiến năng suất, giúp doanh nghiệp hiểu ngọn ngành và áp dụng hợp lý.
TS. Nam đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề “theo đuổi năng suất”, điều này thể hiện ý chí, nỗ lực không ngừng nghỉ, liên tục dẫn dắt doanh nghiệp phát triển theo hướng năng suất và chất lượng. “Ý nghĩa của “theo đuổi năng suất” ở đây là việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn và công cụ cải tiến là nền tảng để đổi mới sáng tạo.
Đổi mới sáng tạo không thể trên giấy tờ mà phải xuất phát từ vận dụng chính những hệ thống tiêu chuẩn và công cụ cải tiến trong quá trình sản xuất. Chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào phát triển năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo là yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế một cách bền vững”, ông Nam nói.
Cũng từng bàn về vấn đề này, TS. Hà Minh Hiệp - Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia khẳng định rằng: “Năng suất cần thực hiện thường xuyên, liên tục, như một cuộc chạy marathon không có vạch đích”.
Nguồn: https://vietq.vn/longform-theo-duoi-nang-suat-dua-doanh-nghiep-vuon-xa-emagazine229027.html