Nguy cơ thiếu máu ở bệnh nhân suy thận

  10/11/2015

   Theo kết quả báo cáo tình trạng thiếu máu gần đây tại Khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, 52,5% bệnh nhân thiếu máu nhẹ, 25,2% thiếu máu vừa và 5,4% thiếu máu nặng.

   Thiếu máu ở bệnh nhân bệnh thận mạn tính làm gia tăng gánh nặng bệnh lý tim mạch, là chỉ điểm tiên lượng độc lập trên tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do tim. Tần suất thiếu máu trong bệnh thận mạn cao và tình trạng thiếu máu nặng lên thêm cùng với sự suy giảm chức năng thận.

   Triệu chứng thiếu máu ở suy thận:

- Tim mạch: Hồi hộp, đánh trống ngực, khi thiếu máu nặng có biểu hiện suy tim hoặc suy tim nặng thêm, làm bệnh nhân mệt, khó thở.

- Thần kinh: Giảm trí nhớ, kém tập trung, hay quên, ngủ gà, chóng mặt, hoa mắt, ù tai, ngất…

- Tiêu hóa: Chán ăn, ăn chậm tiêu, lưỡi đau rát do viêm lưỡi.

- Da xanh xao, nhợt nhạt, lưỡi mất gai, móng khô bóng, tóc khô, dễ gãy, dễ rụng.

- Sinh dục: Nam bị bất lực, giảm ham muốn; nữ vô kinh hoặc ít kinh.

- Cơ xương khớp: Đau, mỏi cơ.

   Cách phát hiện thiếu máu:

- Thiếu máu được chẩn đoán nhờ xét nghiệm công thức máu.

   Điều trị:

- Điều trị thiếu máu là một trong các mục tiêu quan trọng nhằm điều trị bảo tồn suy thận mạn, kéo dài thời gian chờ thận nhân tạo, giảm tỷ lệ tử vong và biến chứng tim mạch, giảm tần suất nhập viện, làm chậm tiến triển suy thận mạn, cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

- Nguyên tắc điều trị thiếu máu hiện nay là bổ sung Erythropoetin theo liều của bác sĩ, bổ sung sắt (dạng uống, truyền tĩnh mạch), bổ sung acid folic, kẽm, vitamin, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, điều trị tốt biến chứng cường phó giáp trạng, lọc máu nếu suy thận nặng.

Bình luận