Chế độ dinh dưỡng và cách chăm sóc bệnh nhân chạy thận
05/12/2015
Suy thận mãn là biến chứng của nhiều bệnh lý mạn tính như tiểu đường, cao huyết áp, viêm cầu thận, hội chứng thận hư, bệnh gút, lupus... Việc điều trị suy thận mãn ở giai đoạn cuối bao gồm nhiều phương pháp, trong đó có chạy thận nhân tạo. Người bệnh chạy thận nhân tạo cần các biện pháp hỗ trợ để điều trị một số biến chứng như thiếu máu, tăng huyết áp, rối loạn canxi và phosphat...
Khi thận bị suy thì khả năng thanh lọc một số chất tạo ra do quá trình chuyển hóa giảm, dẫn đến tình trạng tăng chất urê trong máu, đồng thời có sự ứ trệ muối, nước gây phù nề, ảnh hưởng đến huyết áp và tim. Vì vậy, kết hợp với điều trị thuốc thì chế độ ăn trong giai đoạn này cần giảm đạm và hạn chế muối.
Cơ chế hoạt động của "máy lọc" là loại bỏ các chất cặn bã, nhưng quả thận bị suy sẽ không đảm đương được chức năng bài tiết, do vậy một số chất dinh dưỡng cũng bị thất thoát ra ngoài qua màng lọc, đặc biệt là chất đạm, chất khoáng như canxi, magiê, một số vitamin như vitamin C, vitamin nhóm B, acid folic... Để khắc phục tình trạng thiếu hụt này thì chế độ ăn hằng ngày cần bổ sung các chất trên và hạn chế các chất có nguy cơ thừa, nhằm duy trì tình trạng dinh dưỡng tốt trong quá trình lọc thận để kéo dài thời gian và chất lượng sống cho những bệnh nhân chạy thận nhân tạo.
Về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh chạy thận nhân tạo, theo BS. Lê Thị Ngọc Vân, chuyên khoa dinh dưỡng, cần theo những nguyên tắc cơ bản là năng lượng cao, giàu chất đạm, giàu canxi, hạn chế nước, ít natri, ít kali, ít phosphat, đủ vitamin. Cụ thể:
Chế độ ăn giàu chất đạm (Protein)
Người bình thường cần khoảng 1g/kg/ngày (Ví dụ: người 50kg thì cần 50g đạm/ngày). Người chạy thận nhân tạo cần nhiều chất đạm hơn, khoảng 1,2g - 1,4g/kg/ngày (lấy số cân nặng nhân với 1,2 - 1,4, như vậy người nặng 50kg cần từ 60g - 70g chất đạm/ngày). Thực phẩm giàu chất đạm bao gồm:
100g thịt heo, thịt bò có 20g chất đạm, 1 quả trứng gà hoặc 2 lòng trắng trứng có 7g đạm; 250ml sữa dinh dưỡng cung cấp 10g đạm; 1 hộp sữa bò tươi không đường (180ml) có 7g đạm; 1 miếng phô mai đầu bò có 4g đạm.
Trung bình mỗi ngày cần khoảng 120 - 150g thịt hoặc cá nạc, 1 quả trứng gà (hoặc 3 trứng cút), 1 ly sữa 200ml, 1 hũ yaourt hoặc 1 miếng phô mai... để cung cấp đủ lượng đạm cần thiết. (Chú ý phô mai có nhiều muối và phốt pho nên không ăn nhiều).
Nếu người bệnh ăn kém (mỗi bữa chỉ ăn vài muỗng cơm hoặc một chút cháo) thì nên uống bổ sung 3 - 4 ly sữa dinh dưỡng giàu đạm mỗi ngày để đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng.
Đảm bảo đủ năng lượng
Cần cung cấp đủ nhu cầu năng lượng cho cơ thể để phòng chống suy dinh dưỡng trong quá trình chạy thận. Nhu cầu 35 - 40 kcal/kg/ngày (tính cân nặng trước chạy thận). Người 50kg cần 1.800 - 2.000 kcal/ngày. Chất tinh bột là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, chiếm 50 - 60% tổng năng lượng khẩu phần ăn. Chất bột bao gồm cơm, bún, mì, nui, phở, khoai, miến... Ngoài ba bữa ăn chính cần bổ sung các bữa ăn phụ như sữa giàu đạm, khoai củ, bột sắn dây...
Trước khi lọc thận nên ăn một bữa đủ chất (cơm, cháo, khoai củ kèm với thịt, cá, trứng, rau củ), nếu bệnh nhân ăn kém thì thay thế bằng một ly sữa hoặc bột ngũ cốc giàu năng lượng và đạm để cung cấp đủ dinh dưỡng, bù chất đạm bị thất thoát, đồng thời đề phòng hạ đường huyết trong và sau khi lọc thận.
Chất béo
Gần 1/3 nguồn năng lượng cần cho cơ thể được cung cấp từ chất béo. 1g chất béo cung cấp 9kcal, trong khi 1g bột đường hoặc 1g đạm chỉ cung cấp 4kcal, 1 muỗng cà phê chứa 5g dầu cung cấp 45kcal. Mỗi ngày dùng thêm 5 muỗng cà phê dầu sẽ cung cấp 225kcal (bằng năng lượng của 1 chén cơm đầy hoặc 2 chén cháo đặc). Cần bổ sung dầu ăn khi chế biến các món ăn (cho thêm vào cháo, súp, canh, trộn, chiên, xào...) để tăng cường năng lượng. Nên ưu tiên dầu nành, dầu hướng dương, dầu cải để trộn thêm vào món ăn. Hạn chế thịt mỡ, đồ lòng, bơ, dầu dừa, nước cốt dừa để giảm nguy cơ rối loạn chuyển hóa mỡ máu.
Hạn chế lượng muối trong khẩu phần ăn
Không ăn thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối (dăm bông, xúc xích, chả lụa, thịt hộp, dưa muối chua...). Các món ăn cần nêm ít muối, bột nêm (nấu nhạt hơn bình thường). Ngoài ra, chú ý không dùng nước chấm mặn. Lượng muối trong thực phẩm:
100g dăm bông, giò lụa có 800mg muối, 1 miếng phô mai đầu bò có 225mg muối, 1 muỗng cà phê nước mắm có 1g muối, 1 muỗng cà phê nước tương có 0,7mg muối, 1 gói mì ăn liền có 2g muối. Tổng lượng muối sử dụng trong ngày không quá 4g.
Hạn chế nước
Tổng lượng nước dùng trong ngày khoảng 1 lít (nếu bệnh nhân không có nước tiểu), bao gồm cả nước trong món ăn, thức uống. Nước từ thức ăn (canh, súp, cháo, sữa, yaourt, trái cây...) chiếm khoảng phân nửa nhu cầu nước. Tránh dùng nước ngọt có gas có nhiều đường. Nên uống từng ngụm nước, rải đều trong ngày. Uống ít nước canh và nước rau quả vì sẽ có nhiều muối và kali.
Rau, trái cây
Rau, trái cây cung cấp các vitamin, khoáng chất và chất xơ cho cơ thể. Tuy nhiên, chúng có chứa nhiều kali và khi kali trong máu tăng cao sẽ gây nguy hiểm như loạn nhịp tim, và có thể gây ngưng tim. Nhu cầu kali mỗi ngày không quá 2g, vì vậy nên chọn các loại rau, trái cây có chứa ít kali. Cách chế biến thực phẩm để giảm kali: Cắt nhỏ, ngâm hoặc nấu với hai lần nước, hoặc luộc bỏ nước. Mỗi ngày có thể dùng 100 - 150g rau củ và 100g trái cây tươi.
Vitamin và muối khoáng
Cùng với việc hạn chế ăn rau và trái cây, việc nấu với nhiều nước và chính sự lọc thận sẽ đưa đến sự thiếu hụt các vitamin B1, B6, vitamin C, acid folic, chất sắt, canxi. Vì vậy, cần uống bổ sung các loại này theo chỉ định của bác sĩ.
Cần hạn chế ăn đồ lòng, tôm, cua, lòng đỏ trứng, sôcôla, phô mai để hạn chế tăng phốt pho.